Nghệ thuật tạc tượng Tượng_Quan_Thế_Âm

Tượng Quan Âm bằng đá tại Nhật BảnTượng Quan Âm bằng gốm thời Minh, Bảo tàng Thượng Hải, Trung Quốc

Tượng gỗ

Loại gỗ dân gian hay được dùng để tạo tượng là gỗ mít. Loại gỗ này dễ đục đẽo, bền và ít bị nứt và có ưu điểm là ưa sơn. Thông thường gỗ của một cây mít già thường được đưa ra ao ngâm vài tháng, giúp gỗ loại bỏ đi một số chất và côn trùng trong thân cây. Sau đó, thân gỗ sẽ được vớt lên và để ra ngoài trời phơi hàng tháng cho kiệt nước. Lúc này, gỗ đã có thể được sử dụng để bóc vỏ và pha cắt làm tượng. Nếu gỗ vừa cỡ tượng thì nghệ nhân chỉ việc đẽo bỏ đi phần thừa, nếu gỗ nhỏ mà tượng lớn thì phải ghép và làm mộng cho những chỗ này. Sau đó tượng gỗ sẽ được phủ ra ngoài một lớp đất phù sa tinh luyện trộn với sơn, hom toàn bộ pho tượng. Việc khắc và gắn những đôi tay là khó nhất sau cho tay được tự nhiên, mềm mại và không cứng nhắc. Sau khi hom sơn, tượng bắt đầu được sơn thếp. Lớp sơn then (sơn có màu đen) được phủ lên đầu tiên và được phủ nhiều lần để chúng ngấm cả vào lớp đất hom phủ trên bề mặt trước đó. Sau một vài lần phủ, người ta sẽ lấy giấy ráp đánh bóng cho bề mặt tượng thật bóng và mịn. Lớp sơn tiếp theo là lớp sơn cánh gián rất mỏng để dát vàngbạc. Thông thường vàng và bạc được dát theo lối vẩy cá.

Các tượng của Nhật Bản thường được làm bằng gỗ Hinoki, gỗ của một loại cây tuyết tùng trắng, không bị biến đổi hình dáng sau nhiều năm. Sau khi được tạc hoàn chỉnh, tượng được thoa một lớp thạch cao mỏng ở bên ngoài và được tô màu các chi tiết.

Tượng đá

Tượng đá là loại tượng có độ bền cao, nhưng để tạc một tượng Quan Âm, nhất là Quan Âm thiên thủ thiên nhãn thì rất khó. Thêm vào đó, người ta không thể ghép đá theo chiều ngang như vật liệu gỗ mà chỉ có thể ghép theo kiểu đặt chồng lên nhau. Để giải quyết vấn đề này, ở Campuchia, người ta đã đục ra từ một khối đá ban đầu và đục khắc tay sang hai bên, nhưng các cánh tay này lại sát với nhau đến tận khuỷu và cũng chỉ có tối đa đến 5 cánh tay. Tiếc rằng, những di vật khảo cổ học này không còn tìm thấy nguyên vẹn và người ta không biết chính xác những cánh tay này như thế nào. Các phần tìm lại của bức tượng chỉ còn từ phần khuỷu tay trở vào, cụt mất cánh tay. Các nghệ nhân xưa của Campuchia cũng đã cố gắng xoay xở và tạc lên chính thân thể Phật vô vàn những hóa thân là những tượng nhỏ, khắc chìm hoặc nổi lên khắp bề mặt tượng.